SỨC MẠNH CỦA SỰ LIÊN KẾT
Tin tức

Tin tức

Khu Công nghệ cao TPHCM: Hướng đến khu công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo
20/11/2023
Hiện mặt bằng Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) gần như được lấp đầy, doanh nghiệp đầu tư vào đây đang khai thác tốt lợi thế từ các chính sách ưu đãi và đã đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tăng trưởng, hướng đến nâng cao năng lực về công nghệ của Việt Nam là vấn đề đặt ra đối với SHTP.

Thu hút mạnh đầu tư nước ngoài

Theo SHTP, đến tháng 11-2023, có 160 dự án còn hiệu lực, trong đó có 70 dự án sản xuất công nghệ cao, 18 dự án dịch vụ công nghệ cao, 21 dự án nghiên cứu triển khai, 9 dự án đào tạo, ươm tạo, 23 dự án công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.
Tiêu biểu trong số đó là nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các tập đoàn lớn như Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italy)... với tổng vốn đầu tư lên tới nhiều tỷ USD. Cụ thể, đến nay tập đoàn Intel công bố đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào nhà máy lắp ráp và kiểm định chip Intel Products Vietnam (IPV), tạo ra khoảng 6.500 việc làm ở lĩnh vực công nghệ cao; đóng góp 76,3 tỷ USD giá trị xuất khẩu từ năm 2010 đến nay.

Gia công sản phẩm điện tử tại Công ty Datalogic Việt Nam, Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trong quý 1-2023, Intel chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của SHTP, 15% kim ngạch xuất khẩu linh kiện điện tử của cả nước và khoảng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của TPHCM. Đại diện IPV cho biết sẽ tiếp tục gia tăng sản xuất, hoạt động của nhà máy tại SHTP và đây là một trong những nhà máy quan trọng của tập đoàn này.
Đến nay, với việc đã giao lại đất, cho thuê đất 132 dự án có tổng diện tích 522,01ha trong tổng số 598,28ha (chiếm tỷ lệ 87,25%), mặt bằng của SHTP gần như đã được lấp đầy. Do đó, việc khai thác sức mạnh nội sinh của SHTP trong giai đoạn tới là vấn đề cần đặt ra.
Nhiều chuyên gia cho rằng, SHTP đã đạt đến “giới hạn khai thác” khi kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 23 tỷ USD và 9 tháng đầu năm 2023 đạt 12,096 tỷ USD, tăng gấp nhiều lần so với năm 2010.

Nâng cấp nguồn nhân lực
 
Số lao động tham gia tại các doanh nghiệp trong SHTP đến năm 2022 với 51.910 lao động, trong đó có 51.340 là lao động trong nước và 570 là lao động người nước ngoài. Đến tháng 6-2023, tình hình lao động tại SHTP giảm còn 48.266 người do ảnh hưởng của việc cắt giảm đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu. Vấn đề thâm dụng lao động được đặt ra, bởi phát triển công nghệ cao nhưng sử dụng quá nhiều lao động giản đơn!
Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý SHTP, SHTP đang bước sang giai đoạn phát triển mới, trong đó trọng tâm là tập trung phát triển năng lực nội sinh trên cơ sở khai thác các hệ sinh thái và tận dụng triệt để các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nội sinh của SHTP được xác định qua chương trình đột phá chiến lược giai đoạn 2020-2025 là nâng cấp nguồn nhân lực và tiềm lực khoa học - công nghệ (KH-CN); phát triển công nghiệp hỗ trợ quanh các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) chiến lược; thu hút đầu tư theo hướng tập trung các ngành, lĩnh vực ưu tiên quốc gia, dự án có giá trị gia tăng cao…
Tại nhiều hội thảo về phát triển KH-CN, các chuyên gia đã khẳng định, chiến lược phát triển công nghệ cao tốt nhất là đi từ sản xuất công nghệ cao, nâng dần tỷ lệ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và triển khai, kết hợp đổi mới sáng tạo, ươm tạo và thúc đẩy khởi nghiệp trên nền tảng KH-CN mới. Do vậy, SHTP mở rộng thêm Khu công viên KH-CN là sự phát triển tất yếu.
Điều này cũng đã nêu rõ tại Quyết định số 430/QĐ-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025, trong đó có nội dung: bổ sung chức năng Khu Công nghệ cao (Khu công viên KH-CN), quy mô 166,2ha với tính chất là khu vực nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao và ứng dụng KH-CN; liên kết và bổ sung các chức năng cho SHTP hiện hữu, làm cơ sở nghiên cứu Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố.
Theo ông Nguyễn Anh Thi, Ban Quản lý SHTP xác định mục tiêu giai đoạn tới không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng SHTP trở thành khu công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo, là hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, nơi tập trung các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo… góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.
“SHTP sẽ đẩy mạnh triển khai, đưa vào hoạt động có hiệu quả các dự án đầu tư thuộc Khu không gian khoa học (quy mô 93ha); tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, đơn vị trong SHTP với các trường đại học, viện nghiên cứu trong khu vực, đặc biệt là với Đại học Quốc gia TPHCM nhằm nâng cao tiềm lực đổi mới sáng tạo, tỷ trọng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp trong nước”, ông Nguyễn Anh Thi nhấn mạnh.

Theo Bá Tân
Sài Gòn Giải Phóng

Tin tức khác